Theo khảo sát các nhà tuyển dụng, 82% doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh thật sự cần thiết và đem lại hiệu quả cao. Việc tìm kiếm các nhân viên IT vững về kiến thức chuyên môn CNTT, kỹ năng nghề nghiệp, cũng như có kinh nghiệm luôn được các doanh nghiệp quan tâm trong công tác tuyển dụng nhân sự IT. Nếu bạn đang quan tâm đến việc làm nhân viên IT, hãy tìm hiểu mô tả công việc nhân viên IT của một số vị trí công việc phổ biến qua bài chia sẻ sau
Nhân viên IT – Họ là ai
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, công nghệ thông tin (CNTT) đang hiện diện và trở thành công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho việc quản trị và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Những ứng dụng, giải pháp CNTT hữu ích giúp cho các nhà quản lý doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí quản lý nhưng vẫn nâng cao hiệu quả làm việc.
Vì vậy, công nghệ thông tin hiện đang là một trong những ngành hứa hẹn thu hút nhiều nhân lực IT. Nhu cầu nhân lực IT có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm luôn là những đối tượng ứng viên được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT cũng như các lĩnh vực khác tìm kiếm trong các đợt tuyển dụng nhân sự IT.
Những nhân viên IT làm việc trong ngành CNTT chính là những lập trình viên, những kỹ sư phần mềm, kỹ sư phần cứng. Công việc của họ liên quan đến các công việc lập trình phần mềm máy tính; cài đặt, thử nghiệm và bảo trì máy tính, hệ thống mạng và hệ thống phần mềm được sử dụng để lưu trữ, gửi và nhận các dữ liệu kỹ thuật số.
Những kỹ năng cần có của nhân viên IT
Để làm tốt công việc và phát triển nghề nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, nhân viên IT ngoài trình độ chuyên môn về CNTT còn cần phải có những kỹ năng cần thiết cho công việc như sau:
- Sự am hiểu công nghệ và cập nhật tốt các nền tảng công nghệ mới: Ngày nay, nhiều sản phẩm và ứng dụng từ công nghệ đã trở nên phổ biến trong cuộc sống. Các công nghệ sử dụng trong lĩnh vực CNTT luôn được cải tiến và cập nhật liên tục để nâng cao hiệu quả sử dụng. Vì vậy, nhân viên IT cần có sự hiểu biết về công nghệ để có thể ứng dụng và phối hợp hiệu quả trong công việc.
- Thiết kế giao diện người dùng và ứng dụng di động: Các nhân viên IT, chuyên viên CNTT cần có kỹ năng tạo ra được những sản phẩm phần mềm có giao diện rõ ràng, bắt mắt, dễ dùng và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, của người dùng. Hơn nữa, họ cũng cần có khả năng để đưa các ứng dụng về quản lý trong doanh nghiệp như ERP, kế toán… vào các thiết bị di động để có thể tối ưu hiệu quả sử dụng.
- Bảo mật thông tin: Một nhận viên IT chuyên nghiệp cần phải nắm được những quy tắc bắt buộc trong vấn đề bảo mật thông tin. Khả năng thiết lập được môi trường an ninh và bảo mật cao cho các sản phẩm CNTT là một trong những yếu tố chuyên môn sẽ giúp bạn chinh phục được các yêu cầu của nhà tuyển dụng.
- Kỹ năng về mạng: Kỹ năng này khá quan trọng dù bạn làm việc ở bất cứ vị trí công việc nào trong lĩnh vực CNTT. Những hiểu biết căn bản về mạng máy tính, chẳng hạn như về TCP/IP, Ethernet, cáp quang… luôn cần thiết ngay cả đối với những nhân viên IT phần mềm, kỹ sư phần mềm để làm tốt công việc.
- Kỹ năng quản lý dự án: Khả năng quản lý các dự án, đảm bảo thời gian, tiến độ và hiệu suất công việc trong việc hoàn thành dự án là kỹ năng rất cần thiết cho nhân viên IT. Với việc đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án khi hoàn thành sẽ nhận được sự đánh giá cao từ nhà tuyển dụng.
- Kỹ năng ngoại ngữ: Để nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như tìm kiếm được những thông tin và tài liệu cần thiết cho công việc, việc đọc hiểu các tài liệu kỹ thuật chuyên ngành, thông tin phần mềm, viết code… bằng tiếng Anh thật sự rất cần thiết và hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp trong ngành CNTT.
- Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm: Khi thực hiện những dự án CNTT, có thể bạn sẽ cần phối hợp thực hiện với nhiều người để có thể hoàn thành dự án. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp và phối hợp làm việc nhóm sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều. Giao tiếp khéo léo và biết cách hỗ trợ, phối hợp công việc với mọi người trong nhóm là một trong các yếu tố giúp bạn thành công với công việc IT.
Mô tả công việc nhân viên IT
Lĩnh vực CNTT sẽ có nhiều vị trí công việc khác nhau với các cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động có kiến thức chuyên môn. Để lựa chọn được vị trí công việc phù hợp với năng lực của bản thân, bạn cần xem kỹ thông tin trong bản mô tả công việc của nhân viên IT khi tham gia ứng tuyển. Sau đây là mô tả công việc nhân viên IT tham khảo của một số vị trí công việc phổ biến.
Mô tả công việc IT Manager
- Trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ban giám đốc.
- Quản lý phòng CNTT, đưa ra các kế hoạch chính sách; tham mưu trực tiếp cho ban giám đốc về mảng CNTT.
- Đề xuất, tham gia các dự án phát triển phần mềm, CNTT cho các đơn vị, bộ phận trực thuộc; nghiên cứu, tham mưu tư vấn cho ban giám đốc về các ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc nhằm tăng năng suất lao động.
- Quản lý và phân công công việc cho các nhân viên trong phòng CNTT; chỉ đạo và tham gia các công việc liên quan đến quản trị hệ thống.
- Thiết lập hệ thống máy chủ cục bộ, mạng nội bộ, internet, wifi, camera, máy chấm công, điện thoại bàn.
- Chịu trách nhiệm quản lý hệ thống server chủ; quản lý hệ thống mạng nội bộ, sửa chữa khắc phục sự cố máy tính, hệ thống mạng.
- Quản lý các phần mềm ứng dụng trong việc quản lý công việc của doanh nghiệp.
- Quản lý hệ thống website của công ty chuyên nghiệp và hiệu quả.
- Backup dữ liệu file server, hệ thống website.
- Xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở vật chất, mạng CNTT cho công ty và các đơn vị thành viên.
- Hỗ trợ IT cho các sự kiện của công ty tổ chức.
Mô tả công việc IT Support
- Thiết kế và quản lý hệ thống mạng/server của công ty.
- Xử lý các sự cố liên quan đến máy tính, phần mềm, thiết bị mạng, đường truyền trong công ty.
- Xác định, chẩn đoán và giải quyết vấn đề đối với yêu cầu của người sử dụng máy tính cá nhân, phần mềm máy tính và phần cứng, mạng, Internet trong công ty.
- Cung cấp hỗ trợ cài đặt, cấu hình cho người dùng cuối các phần cứng máy tính để bàn, phần mềm và thiết bị ngoại vi.
- Giải quyết các vấn đề về phần cứng máy tính và e-mail, Internet, dial-in và các vấn đề truy cập mạng.
- Thực hiện sửa chữa phần cứng máy tính, các thiết bị máy tính PC và các thiết bị ngoại vi không được thỏa thuận bảo dưỡng của bên thứ ba nhà cung cấp.
- Giúp cài đặt mạng nội bộ, hệ thống cáp và các thiết bị như card mạng, hub và switch.
- Phối hợp với các kỹ thuật viên khác trong việc tạo ra tài liệu liệu hướng dẫn cho người dùng cuối câu hỏi thường gặp (FAQs).
Mô tả công việc IT Network
- Nâng cấp, cài đặt và troubleshoots mạng kết nối, mạng thiết bị phần cứng và phần mềm.
- Phát triển và tiêu chuẩn hệ thống tài liệu cho các thiết bị máy tính và mạng trong doanh nghiệp.
- Đề xuất và sắp lịch sửa chữa, bảo trì mạng LAN/WAN cho công ty.
- Quản trị hệ thống mạng nội bộ, Internet, hệ thống mạng server, hệ thống Wifi , hệ thống camera của công ty.
- Quản lý Firewall, Load balancers, VPN concentrators, Switch/Router, VLAN, PABX và Internet Lease Line, Mega WAN, FTTH.
- Thiết kế, vận hành và theo dõi sát các hệ thống mạng LAN và hệ thống đường truyền Internet, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt.
- Đảm bảo an toàn, nâng cao tính bảo mật, nắm được các kỹ thuật xâm nhập và các biện pháp phòng, chống tấn công.
- Giám sát hiệu suất mạng (tính khả dụng, băng thông, độ trễ…) và kiểm tra các điểm yếu.
- Cập nhật các bản vá cần thiết cho Windows Server, Firewall…
- Xử lý các sự cố về mạng, thiết bị công nghệ thông tin.
- Xử lý các sự cố máy tính và hỗ trợ người dùng cuối.
- Đề xuất các phương án bảo trì, nâng cấp hệ thống, thay đổi dịch vụ theo yêu cầu phát triển của công ty và ứng dụng CNTT vào trong công việc.
Mô tả công việc nhân viên IT phần mềm
- Cài đặt, nâng cấp, bảo trì các hệ thống và các hệ quản trị cơ sở dữ liệu khác (cấu hình đồng bộ, sao lưu, phục hồi CSDL…)
- Bảo trì, chỉnh sửa, cải tiến, tạo thêm báo cáo trên hệ thống ứng dụng phần mềm quản lý, website trong doanh nghiệp.
- Tham gia đánh giá kỹ thuật các giải pháp của các đối tác thuộc lĩnh vực phần mềm ứng dụng.
- Nghiên cứu kiến trúc, công nghệ, khả năng ứng dụng phần mềm mới để có thể phát triển các ứng dụng tự động cho công việc văn phòng và nghiệp vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tham gia vào quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống website công ty.
- Training cho người dùng đầu cuối trên toàn hệ thống về sử dụng phần mềm ứng dụng sau khi đã tự phát triển hoặc tiếp nhận chuyển giao từ nhà cung cấp.
Mô tả công việc nhân viên IT khách sạn
- Giám sát hoạt động phòng CNTT của khách sạn.
- Kiểm tra hoạt động hàng ngày của hệ thống hạ tầng CNTT của khách sạn: hệ thống mạng LAN, hệ thống mạng Wifi – Internet, hệ thống khóa từ, tivi, máy chủ ứng dụng, tổng đài nội bộ.
- Thực hiện việc hướng dẫn, hỗ trợ vận hành hệ thống phần mềm nghiệp vụ cho nhân viên các bộ phận trong khách sạn.
- Giải quyết mọi vấn đề liên quan đến máy tính, Internet không dây/ cáp, email… của khách hàng lưu trú tại khách sạn.
- Hỗ trợ nhân viên khách sạn về phần mềm, phần cứng khi được yêu cầu.
- Chủ động tìm kiếm những ý tưởng cải tiến hoạt động của hệ thống IT khách sạn.
FAQs: Những câu hỏi thường gặp về công việc nhân viên IT
Phẩm chất nào của nhân viên IT thu hút nhà tuyển dụng?
Khi ứng tuyển vị trí nhân viên IT, để có thể nổi bật hơn các ứng viên khác, bạn cần thể hiện được những phẩm chất sau trên CV xin việc cũng như trong quá trình tham gia phỏng vấn:
- Đam mê công nghệ và nắm bắt tốt những kỹ thuật công nghệ mới
- Khả năng giải quyết vấn đề tốt
- Tôn trọng và có tính kỷ luật trong công việc
- Chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất
- Giỏi giao tiếp và biết cách làm việc nhóm
- Chịu được áp lực công việc
Khi tuyển dụng, doanh nghiệp thường chú ý những yêu cầu nào đối với nhân viên IT?
Những yêu cầu của vị trí công việc nhân viên IT thường được doanh nghiệp chú trọng là:
- Nắm vững kiến thức chuyên môn ngành CNTT
- Có kinh nghiệm làm việc ở vị trí nhân viên IT hoặc vị trí liên quan.
- Hiểu biết sâu rộng về hệ thống máy tính và mạng.
- Am hiểu về nguyên tắc bảo mật mạng và dữ liệu.
- Có kỹ năng phân tích, tổng hợp và xử lý thông tin, dữ liệu CNTT.
- Kỹ năng chẩn đoán và giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian.
- Có khả năng chịu áp lực cao trong công việc.
- Linh hoạt và khả năng thích ứng với các môi trường làm việc khác nhau.
Các vị trí công việc IT thông dụng hiện nay là những vị trí nào?
Một số vị trí công việc IT phổ biến và thường được tuyển dụng hiện nay:
Quản trị mạng
- Nhân viên quản trị mạng – Network Administrator
- Kỹ sư mạng – Network Engineering
- Trưởng nhóm quản trị mạng – Network Leader
IT Support
- Nhân viên IT hỗ trợ người dùng – Helpdesk Technician
- Kỹ thuật viên máy tính – PC Technician
- Trưởng nhóm IT hỗ trợ người dùng – Helpdesk Leader / ServiceDesk Leader
Lập trình ứng dụng
- Nhân viên IT phát triển ứng dụng/ Lập trình viên – Application Developer/ Programmer
- Nhân viên kiểm tra chất lượng phần mềm – Application Quality Tester
- Trưởng nhóm phát triển ứng dụng – Application Development Leader
Quản trị cơ sở dữ liệu
- Nhân viên phát triển Database – Database Developer
- Nhân viên quản trị Database – Database Administrator
Bảo mật thông tin
- Nhân viên bảo mật hệ thống – IT Security Staff
Quản lý IT
- Giám đốc bộ phận IT – IT Manager/ IT Director
- Giám đốc CNTT – Chief Information Officer (CIO)
- Giám đốc bảo mật thông tin – Chief Security Officer (CSO)
- Giám đốc kỹ thuật – Chief Technical Officer (CTO)
- Giám đốc dự án IT – Project Manager
Triển vọng nghề nghiệp nhân viên IT hiện nay như thế nào?
Hiện nay, công nghệ ngày càng được ứng dụng nhiều vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế – xã hội của người dân. Từ lý do đó, lĩnh vực CNTT và việc làm nhân viên IT được đánh giá không ngừng tăng trưởng trong mặt bằng chung của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, lĩnh vực IT không ngừng cải tiến và cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới đòi hỏi nhân viên IT cần có trình độ chuyên môn cao và không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề. Người lao động có kiến thức chuyên môn CNTT đều có tiềm năng phát triển trong ngành IT cùng với sự phát triển chung của ngành.
Mức lương của nhân viên IT là bao nhiêu?
- Đối với các sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành CNTT, có kỹ năng nghề nghiệp sẽ có thể tìm thấy các cơ hội việc làm nhân viên IT với mức lương trung bình trong khoảng từ 7 – 9 triệu đồng/tháng.
- Đối với những lập trình viên hay các chuyên viên IT đã có kinh nghiệm làm việc có thể đạt mức lương dao động trong khoảng từ 12 – 22 triệu đồng/tháng tuỳ theo năng lực.
- Vị trí IT Manager có mức lương từ 25 – 40 triệu đồng/tháng tuỳ theo trình độ, năng lực, kinh nghiệm của ứng viên và quy mô của doanh nghiệp.